Du lịch toàn cầu trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử

Thứ tư, 11/08/2021 14:51
(ĐCSVN) – Du lịch toàn cầu trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới. Dự báo, trong 2 năm 2020 - 2021, sự sụt giảm của ngành du lịch gây tổn thất tới 4,8 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới.

Du lịch thế giới lao đao

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Trong số đó, các nước có mức giảm GDP do sụt giảm ngành du lịch vì đại dịch COVID-19 cao nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ (-9,1%), Ecuador (-9%), Nam Phi (-8,1%), Ireland (-5,9%)…

Trước đó, vào tháng 7/2020, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đã dự báo thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài từ 4-12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 1,2-3,3 nghìn tỷ USD.

Song trên thực tế, con số thiệt hại còn khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi thời gian đình trệ chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Du lịch toàn cầu, ở cả các nước phát triển và đang phát triển đều phải chịu tác động khủng khiếp của đại dịch, ước tính lượng khách đến du lịch giảm từ 60- 80%. Theo Báo cáo của Liên hiệp quốc, lượng khách du lịch quốc tế đã giảm khoảng 1 tỉ lượt, tương đương giảm 73% trong năm 2020, trong khi trong quý đầu tiên của năm 2021, mức giảm đã là 88%. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á; trong khi những khu vực bị ảnh hưởng ít hơn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Caribe.

COVID-19 khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới vắng khách. (Ảnh: Reuters). 

Nghiên cứu của UNCTAD cho thấy, việc thiếu vaccine ở nhiều quốc gia cùng với sự bất bình đẳng về vaccine có thể gây tổn thất rất lớn. Thiệt hại rơi vào ngành du lịch của các nước đang phát triển có thể chiếm tới 60% con số trên, nghĩa là có thể lên đến 1,4 nghìn tỷ USD trong năm nay. Cũng theo UNCTAD, trong 2 năm 2020 - 2021, sự sụt giảm của ngành du lịch gây tổn thất tới 4,8 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới. Trong đó, khoản thiệt hại lên tới 2,9 nghìn tỷ USD rơi vào các nước nghèo. Chính bởi vậy, Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant cho rằng, thế giới cần đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng toàn cầu để bảo vệ người lao động, giảm thiểu các tác động xã hội tiêu cực, đồng thời định hướng chiến lược phát triển cho du lịch, trong đó cần tính đến tái cơ cấu lại ngành.

Theo Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili, du lịch là cứu cánh cho hàng triệu người. Việc thúc đẩy tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng, hỗ trợ khởi động lại du lịch một cách an toàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là ở các quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế.

Việc hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19 khiến du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng; trong đó châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phải chịu thiệt hại về du lịch nặng nhất trong năm 2020, với GDP ngành giảm 53,7% (-1.645 tỷ USD), số việc làm giảm 18,4% (-34,1 triệu việc làm) so với năm 2019. Châu Âu đứng thứ 2 với GDP ngành giảm 51,4% (tương đương -1.126 tỷ USD), việc làm giảm 9,3% (-3,6 triệu việc làm).

Du lịch nội địa gần như “tê liệt”

Tại Việt Nam, năm 2020, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương 19 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách nội địa cũng giảm khá mạnh, nếu như trong tháng 4/2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 9 triệu lượt, thì đến tháng 7/2021 chỉ còn 0,5 triệu lượt.

Hiện tại, dù đã đi gần hết mùa hè, nhưng toàn xã hội vẫn đang căng mình chống dịch, hoạt động du lịch ở hầu hết các địa phương gần như tê liệt.

Dịch COVID-19 cũng khiến nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa trong thời gian này giảm mạnh. Theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4/2021 khi dịch COVID-19 ở trong nước được kiểm soát, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa tăng mạnh so với 3 tháng đầu năm cũng như so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng từ cuối tháng 4/2021 dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa nhanh chóng giảm mạnh và duy trì ở mức rất thấp đến tận thời điểm này.

Nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch nội địa trong 7 tháng đầu năm 2021. (Ảnh: Google Destination Insights).

Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng nhanh trong tháng 3, tháng 4, sau đó giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, có lúc  giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong thực tế, sau đợt dịch thứ 4 bùng phát, ở các trung tâm du lịch lớn trên cả nước có tỷ lệ hủy phòng rất lớn, trên 90%, sau đó các cơ sở lưu trú du lịch phải đóng cửa hàng loạt. Một số cơ sở còn hoạt động chủ yếu phục vụ công tác cách ly, phòng chống dịch và một số hoạt động cầm chừng ở những nơi không có dịch bệnh. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch về lượng khách du lịch nội địa có nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú cũng cho thấy xu hướng tương tự. Trong tháng 4/2021 cả nước có 4,6 triệu lượt khách lưu trú thì đến tháng 5 chỉ còn 1,8 triệu lượt, tháng 6 còn 0,9 triệu lượt và tháng 7 chỉ là 0,3 triệu lượt.

Tương tự với xu hướng sụt giảm chung, nhu cầu tìm kiếm thông tin về hàng không từ tháng 5 đến nay cũng gần như chạm đáy, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2020.

Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên, ngành du lịch cũng sẵn sàng tâm thế để đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều địa phương đã chủ động tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch. Tại Quảng Ninh, hơn 7.000 lao động ngành du lịch thuộc 9 địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đảm bảo an toàn. Đây là lao động tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch, công ty lữ hành, tàu thủy, phương tiện vận chuyển du lịch và là hướng dẫn viên của các doanh nghiệp, cơ sở du lịch trên địa bàn. Ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là nhu cầu chính đáng, là giải pháp bền vững nhất để kiểm soát dịch bệnh, qua đây tạo nền tảng vững chắc ổn định hoạt động du lịch nội tỉnh hiện nay và mở rộng ra các thị trường lớn hơn sau này.

Cùng với Quảng Ninh, Kiên Giang cũng là một trong những địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động làm trong ngành du lịch để đảm bảo đủ điều kiện thí điểm đón khách quốc tế. Hiện tại, đã có 60.000 lao động ngành du lịch, dịch vụ tại Phú Quốc (Kiên Giang) được tiêm mũi 1 vaccine COVID-19. Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, việc tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân và người lao động tại Phú Quốc để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chuẩn bị cho việc thí điểm đón khách quốc tế vào tháng 10. Tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch và đang xúc tiến việc tiêm vaccine cho người dân Phú Quốc. Theo đó, Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu 95% người dân Phú Quốc đủ điều kiện tiêm chủng phòng COVID-19 được tiêm đủ mũi vaccine.

Như vậy, cùng với nỗ lực thay đổi chiến lược kinh doanh, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 là một trong những biện pháp quan trọng để ngành du lịch có thể hoạt động trở lại an toàn trong bối cảnh “bình thường mới”.

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực