Bài 5: Bộ Giao thông Vận tải nhận diện thách thức và giải pháp nâng tầm giao thông an toàn

Chủ nhật, 11/02/2024 16:22
(ĐCSVN) - Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông (TNGT) đang tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm. Là cơ quan thường trực của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã có những đóng góp quan trọng, làm nền tảng, động lực cho nỗ lực chung kéo giảm TNGT, từ đó góp phần hữu hiệu vào công cuộc xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.

Ngành Giao thông Vận tải bước vào năm mới quyết tâm mới

Bài 2: Ngành Giao thông Vận tải củng cố nền tảng phát triển vững chắc

Bài 3: Nhìn lại diện mạo mới của hạ tầng giao thông sau một năm gặt hái nhiều kỷ lục

Bài 4: Giải ngân lớn - ngành GTVT nỗ lực tối đa, quyết tâm tối đa

 Lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra hoạt động vận tải dịp cuối năm.

Tai nạn giao thông giảm rất sâu  

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Cụ thể, toàn quốc xảy ra hơn 22.000 vụ TNGT, làm chết hơn 11.600 người, bị thương gần 15.300 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.285 vụ (-5,5%), giảm 1.922 người chết (-14,18%), tăng 660 người bị thương (+4,51%).

Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).

Riêng với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Bộ GTVT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đến nay, Bộ GTVT đã và đang xử lý 34 điểm đen, 49 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong việc kiểm soát tải trọng, qua đó đã kéo giảm rõ rệt tình trạng này; đã triển khai thanh tra, kiểm tra 9 nội dung liên quan đến bảo đảm TTATGT và chỉ đạo các cục, sở GTVT đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm về TTATGT.

Để đảm bảo ATGT, kéo giảm ùn tắc giao thông dịp Lễ, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, các sở GTVT, trong đó tập trung: Kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý; khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm.

“Yêu cầu các Nhà đầu tư BOT xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông tại các trạm thu phí; kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc”, Bộ GTVT yêu cầu.

Một điểm nhấn đáng chú ý, Bộ GTVT khẳng định, đảm bảo tuyệt đối an toàn hoạt động bay, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không phận quốc gia. Theo đó, trong năm 2023, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn cho 752.906 lần chuyến bay, bằng 113,93% so với kế hoạch năm 2023 và bằng 139,08% so với thực hiện năm 2022.

Thực hiện tốt công tác phối hợp hàng không dân sự - quân sự trong tổ chức vùng trời, phương thức bay, quản lý vùng trời và phối hợp quản lý điều hành bay tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh; hiệp đồng, thông báo và phối hợp theo dõi, quản lý tốt các hoạt động bay trong lãnh thổ cũng như các hoạt động bay của máy bay quân sự nước ngoài hoạt động tại khu vực Biển Đông, khu vực sát biên giới, sẵn sàng xử lý khi có tình huống.

Tiếp tục tạo chuyển biến ATGT

 Lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp cùng CSGT xử lý xe quá tải trên địa bàn TP. Hà Nội.

Hiện nay, hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa đều tăng so với năm 2022, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương. TNGT vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Bước sang năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 23/CT-TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, Nghị quyết 149/NQ-CP ngày 21/9/ 2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Trong đó, Bộ GTVT xác định tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trước hết là từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời nghiên cứu lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT.

Tiếp đó, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông trên mạng xã hội và các nền tảng truyền thông kỹ thuật số.

Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT; xây dựng và kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu về TTATGT giữa ngành Công an, GTVT, Y tế, Bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan.

Theo Bộ GTVT, việc bảo đảm tiến độ, chất lượng, kịp thời đưa các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, hiện đại, an toàn vào khai thác là một giải pháp quan trọng để tạo chuyển biến trong công tác đảm bảo TTATGT. Song hành với đó là rà soát xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; tổ chức, điều hành giao thông linh hoạt, khoa học; quản lý chặt chẽ hành lang ATGT đường bộ, nhất là hiện tượng tái lấn chiếm hành lang ATGT sau khi giải tỏa; bảo đảm điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông.

Mặt khác, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT; hoàn thiện quy định để khuyến khích phương tiện thân thiện với môi trường./.

Bài, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực