Hà Nội qua những mảng màu văn hóa

Thứ sáu, 05/05/2023 13:50
(ĐCSVN) - Mỗi góc phố, mỗi khoảng trời Hà Nội, khởi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật, qua đó phản ánh chân thực về vùng đất, con người, các di sản lịch sử, văn hóa của Hà Nội hiện nay. Đây cũng là minh chứng về bước chuyển mình của Thủ đô sau những biến động lịch sử, đang phát triển mạnh mẽ ở thời kỳ hội nhập.
 Dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, mải miết bồi đắp, kiến tạo nên miền đất trù phú, cùng bề dày lịch sử, văn hóa kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay.
 Nhiều du khách nước ngoài tới Thủ đô Hà Nội rất thích thú khi tham quan, tìm hiểu khu phố cổ Hà Nội - nơi có những con phố nhỏ, ngõ nhỏ cổ kính kề bên dòng sông Hồng, đặc biệt có cầu Long Biên - công trình kiến trúc xây dựng năm 1898 - 1902 tôn lên vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội.
 Di sản kiến trúc cổ của Hà Nội mang đậm dấu ấn lịch sử lâu đời với cổng làng, chùa, đền, miếu có ở nhiều nơi. Đây là một mảng màu văn hóa đậm nét khắc họa nên bản sắc Hà Nội.
 Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng với 5.922 di tích...
 Chùa Chùa Một Cột - một biểu tượng văn hóa của Hà Nội.
 Di tích chùa cổ Bối Khê, một di tích lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội.
 Năm 2016, Hà Nội đã hoàn tất việc thống kê số lễ hội trong thành phố. Theo đó, toàn thành phố có hơn 1.000 lễ hội với các chủ đề, quy mô và hình thức khác nhau. Các lễ hội tiêu biểu có Lễ hội Gióng, hội Cổ Loa, hội Gò Đống Đa, hội Chùa Hương...
Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hội Gióng tổ chức từ ngày mùng 7 - 9/4 âm lịch, tại Gia Lâm, Hà Nội, để tưởng nhớ công đức Thánh Gióng, vị thần được dân gian suy tôn đứng đầu trong "Tứ bất tử” của người Việt. 
 Nhiều lễ hội ở Hà Nội gắn liền với những câu chuyện lịch sử, tạo nên giá trị và văn hóa con người ở mỗi cộng đồng, mỗi địa phương của Hà Nội. Ông Tom Hiddleston - vị khách người Anh làm việc lâu năm tại Hà Nội đã nhận xét: “Hà Nội quyến rũ hơn so với những thành phố khác trên thế giới mà tôi từng đi qua, đó chính là các di sản văn hóa đồ sộ, hàm chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đậm tính nhân văn đang ẩn chứa và phô diễn trong các lễ hội truyền thống”.
 Bên cạnh đó, Hà Nội là nơi giao thoa văn hóa đậm của Việt Nam với nhiều loại hình văn hóa trên cả nước hội tụ. Trong ảnh: Trình diễn Hát Xoan (Phú Thọ) tại Khu phố cổ Hà Nội.
 Những mảng màu văn hóa Hà Nội còn thể hiện qua không gian các làng nghề truyền thống. Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 23 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 16 làng làm nghề chạm điêu khắc; 6 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác như gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc…

Dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, Hà Nội đang phát triển các không gian văn hóa mới, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, trong đó có các Tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, phố Trịnh Công Sơn, cầu Nhật Tân… xây dựng một Hà Nội thời hội nhập, phát triển nhưng vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững.

 Với những giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, Hà Nội đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế. Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2019, Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách. Năm 2022, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18,7 triệu lượt. Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch.
N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực