Lễ Pang A của dân tộc La Ha

Thứ năm, 04/05/2023 19:47
(ĐCSVN) - Lễ Pang A của đồng bào dân tộc La Ha, tỉnh Sơn La để cảm tạ các vị thần linh, các thầy lang đã có công bảo vệ người dân bản làng, bày tỏ ước nguyện về một vụ mùa tốt tươi, người dân bản làng yên vui, hạnh phúc.

Đồng bào dân tộc La Ha có dân số khoảng 1.400 người, cư trú tập trung tại hai tỉnh Sơn La và Lào Cai. Đồng bào còn có tên gọi khác là Xá Puộng, Xá Khao, Pụa, Khlá-phlạo, dân tộc La Ha là một trong số 16 dân tộc của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam cần bảo tồn văn hóa truyền thống khẩn cấp.

Đồng bào La Ha sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy theo lối du canh. Việc hái lượm rất quan trọng, thường xuyên hơn so với săn bắn và đánh cá. Ngày nay nhiều bản đã làm ruộng, biết đắp bờ chống xói mòn nương, biết dùng phân bón. Chăn nuôi có lợn, gà, nay thêm trâu bò dùng để cày kéo. Người La Ha không dệt vải, chỉ trồng bông và đem bông trao đổi với người Thái lấy vải mặc, nên mặc giống người Thái Đen.

Bản của người La Ha thường có khoảng chục nhà sàn, ngôi nhà có cửa ra vào với thang lên xuống tại hai đầu nhà, một cửa vào chỗ để tiếp khách và một cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt gia đình.

Trong đời sống tín ngưỡng, người La Ha tin có nhiều loại ma như: ma rừng, ma nước, ma nương, ma nhà… Mỗi người có 8 hồn, sau khi chết bình thường hồn hóa ra ma nhà hoặc ma ma nương. Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ ma nhà, nhưng chỉ thờ một ông bố mà thôi. Hàng năm vào mùa hoa ban nở, nhà nhà đều làm lễ tạ ơn cha mẹ.

Trong kho tàng văn hóa truyền thống của người La Ha, lễ hội Lễ Pang A là một hoạt động dân gian lâu đời, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ người La Ha. Thời gian tổ chức lễ Pang A thường vào tháng 4 hàng năm, với hai phần Lễ và Hội đan xen.

Để tiến hành Lễ Pang A, đồng bào La Ha dựng cây Xặng Bók làm từ cây móc và cây chuối rừng. Cây móc hình tượng cho trâu đen, cây chuối rừng hình tượng cho trâu trắng. Trên cây móc gồm nhiều vật dụng liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào La Ha như: Quả còn, chim cu gáy, hoa ban, hoa mạ, hoa trạng nguyên, sợi sùng, sợi mon, cống mạy, con ve, lá chắn, ống tre, cày và bừa. Các vật phẩm trong lễ được chuẩn bị tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình. 

 Thày Lễ thực hiện nghi thức vẩy nước cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi. Ảnh: ND

Trong phần Lễ, thầy cúng làm lễ cúng hồn chủ nhà với ý nghĩa cầu mong cho các vị thần linh phù hộ, giữ hồn cho thầy cúng trong quá trình hành lễ được may mắn, không bị lạc hồn, lạc vía. Đầu tiên thầy lễ đọc lời khấn mời các vị thần linh về dự lễ, tiếp đó là mời tổ tiên, các thầy… rồi lần lượt cúng cho con vật nuôi được khỏe mạnh, không bị ốm đau, người trong gia đình làm ra nhiều thóc ngô, nuôi được nhiều con vật.

Sau phần lễ là phần hội, hoạt động dân gian này bảo tồn, lưu giữ nhiều điệu múa dân gian của người La Ha như: Múa Sừng Lừng (mang tính phồn thực), múa Tăng bu "hữu sinh vô dưỡng", vạn vật sinh sôi nảy nở... các màn diễn xướng trong Lễ phản ánh đậm nét tín ngưỡng dân gian, các thao tác trong hoạt động nông nghiệp… phần Hội mang tính cộng đồng cao, thu hút người dân bản làng và khách thăm, đồng bào cùng nhau vui hội, thưởng thức ẩm thực, giao lưu đoàn kết, nhảy múa ca hát vòng quanh cây Xặng Bók, hát những các bài hát dân ca, các điệu múa như tăng bu, múa khăn, múa chim... tái hiện cuộc sống lao động, sản xuất của đồng bào. Từ lễ hội này, nhiều đôi trai, gái bản trên xóm dưới cùng nhau kết bạn, tìm hiểu và có đôi nên duyên vợ chồng.

Hiện nay cộng đồng người La Ha ở Sơn La ý thức gìn giữ, bảo tồn lễ hội Pang A, coi đó là trách nhiệm của mình. Lễ hội là dịp để bà con dân bản tụ hội, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc.

N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực