Lễ vào nhà mới của người Mảng

Thứ năm, 04/05/2023 09:23
(ĐCSVN) - Sinh sống ở vùng cao xa xôi, điều kiện sống còn không ít khó khăn nhưng đồng bào Mảng, tỉnh Lai Châu vẫn gìn giữ bản sắc truyền thống của dân tộc mình. Trong nền văn hóa dân tộc Mảng, đồng bào vẫn lưu truyền nhiều nét văn hóa cổ truyền, trong đó có nghi lễ vào nhà mới.

Đồng bào dân tộc Mảng có dân số 3.700 người, sinh sống lâu đời và tập trung ở hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Nền văn hoá Mảng đậm đà bản sắc với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp. Theo quan niệm người Mảng, trong đời người quan trọng nhất là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Nên nhà dù lớn hay nhỏ, làm bằng gỗ hay tranh tre nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu.

Bởi vậy mỗi khi ngôi nhà mới được dựng xong mỗi gia đình người Mảng đều tổ chức lễ vào nhà mới, để bày tỏ tấm lòng thành kính với tổ tiên, chia sẻ niềm vui với người dân bản làng. Hoạt động này thể hiện những giá trị nhân văn tốt đẹp trong lối sống cách ứng xử với cộng đồng. Nghi lễ vào nhà mới cũng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa to lớn trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần vào nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, để cùng nhau bảo vệ, xây dựng đất nước trên miền đất địa đầu của Tổ quốc.

 Dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào Mảng vẫn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình qua nhiều hoạt động dân gian truyền thống.
 Nghi lễ vào nhà mới là một hoạt động dân gian tiêu biểu trong các hoạt động truyền thống. Khi ngôi nhà mới làm xong, vào ngày tốt lành, chủ nhà vào đầu tiên thực hiện nghi lễ xua những điều không may mắn ra khỏi ngôi nhà mới.
 Già làng Lò A Xoang, bản Nậm Xảo, xã Trung Chải (Nậm Nhùn - Lai Châu) cho biết, nghi lễ vào nhà mới của người Mảng thường tiến hành vào buổi sáng. Hai vợ chồng chủ nhà phải đi đầu, các con cháu đi vào sau mang chăn đệm, dụng cụ nấu nướng, các vật dụng sinh hoạt đặt vào vị trí đã định và cùng nhau nói: “Vào nhà mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhé !”.
 Ngày được chọn vào nhà mới là ngày con Ngựa sau đó đến ngày con Rồng, con Dê, con Gà, kiêng ngày mất của bố, mẹ gia chủ, ngày sinh, năm sinh của gia chủ, ngày con Hổ, tránh ngày mất của vợ hoặc chồng đã qua đời.
 Các con cháu đi liền sau mang chăn đệm, dụng cụ nấu  nướng, các vật dụng sinh hoạt.
 Các thành viên trong gia đình sắp xếp chăn, đệm, các vật dụng sinh hoạt vào vị trí đã định.
 Bếp lửa hồng nổi lên, xôi được đồ trên bếp chuẩn bị cho bữa ăn đầu tiên trong ngôi nhà mới.
 Chủ nhà khấn xin tổ tiên phù hộ cho gia đình khỏe  mạnh, đông con, nhiều cháu. Con cháu sinh ra có đủ trai, đủ gái, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.
 Cùng thời điểm đó, các thành viên đun nước, mổ lợn, gà để làm lễ…
 Các thành viên trong gia đình ăn mừng nhà mới.
 Bữa ăn sum vầy đầu tiên trong nhà mới, ấm áp và hạnh phúc, in đậm trong tâm thức người Mảng, trở thành tình cảm thiêng liêng liên kết các thành viên trong gia đình với nhau.
 Sau các nghi lễ trong nhà, là phần thực hiện các nghi thức ngoài trời…
 Chủ nhà cùng con cháu, người dân bản làng cùng nhau vui vẻ uống rượu, hát những bài dân ca thể hiện tình yêu lao động, sản xuất… mừng gia chủ có ngôi nhà mới.
Dân tộc Mảng sinh sống ở vùng xa vùng sâu, giao thông cách trở, còn thiếu thông tin, phương tiện sản xuất, chịu tác động từ du canh, du cư. Cùng đó trong quá trình giao thoa văn hóa với các dân tộc khác, có sự lấn lướt bởi các nền văn hóa lớn hơn, gây mai một về ngôn ngữ, chữ viết... Điều đó đòi hỏi các cấp, ngành cần có chính sách quan tâm tích cực, để gìn giữ và phát huy bản sắc lâu đời của dân tộc Mảng. 
N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực