Múa dân gian - đậm đà sắc màu văn hóa Việt

Thứ năm, 04/05/2023 19:47
(ĐCSVN) - Múa dân gian được người Việt sáng tạo, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, phản ánh những giá trị tốt đẹp của mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Thông qua những điệu múa dân gian người xem nhận biết được khả năng sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ của các bậc tiền nhân; đồng thời, thấy được phong tục tập quán, những mối quan hệ xã hội đương thời. Đặc biệt là biểu đạt đời sống tín ngưỡng, đạo đức con người, có thể thấy qua các điệu múa xuất hiện trong các nghi lễ thờ cúng thần Phật, thánh Tản Viên, đạo Mẫu hay phong tục thờ cúng Hùng Vương.

Múa dân gian Việt có khởi nguồn từ đời sống thường nhật của người dân, gắn kết với đời sống người dân ở nhiều địa phương bởi vậy phản ánh không gian thực hành rộng lớn, nổi bật bởi sự gần gũi và gắn kết cộng đồng, nơi để mọi người quây quần, đoàn kết nhau, không phân biệt độ tuổi, tầng lớp nổi bật như các điệu xoè của dân tộc Thái, xòe chiêng dân tộc Tày, múa cờ lau hội Hoa Lư, Múa bài bông, múa Xuân Phả... 

Không gian thực hành múa dân gian của Hà Nội

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trong di sản múa dân gian Việt, riêng Thủ đô Hà Nội đang lưu giữ khoảng 100 điệu múa cổ, ở nhiều loại hình như múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó tiêu biểu có “múa Ải Lao” trong hội Gióng, “múa đèn” trong hội Đền Hai Bà Trưng, “múa chạy cờ”, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), “múa rắn” ở làng Lệ Mật (Gia Lâm), “múa roi” làng Cót, “múa chén” làng Mọc, “múa rồng lửa” ở Khương Thượng, múa "cởi vú mo" ở lễ hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh, múa "canh nông" ở hội làng Cư An, huyện Mê Linh, “múa lục cúng” hoa đăng ở chùa Minh Quang (Đống Đa), múa “chèo tầu” ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng; múa “chèo cạn” ở phường Bưởi…

Những điệu múa dân gian có lịch sử Hà Nội, phản ánh đời sống tinh thần của người dân, là giá trị văn hóa của đất văn hiến nghìn năm. Khi xem các điệu múa dân gian, từ cách biểu hiện, kiểu cách, màu sắc trang phục, đạo cụ, đặc biệt là ngôn ngữ, đều mang cảm giác gần gũi, thân thiện. Ngoài yếu tố phục vụ cho tín ngưỡng, múa cổ còn có tính trình diễn, thẩm mỹ cao. 

 Múa rồng trong hội làng Yên Lạc một dấu ấn lịch sử văn hóa ở vùng đất Chương Mỹ, Hà Nội.

Hàng năm, từ ngày 3 tới ngày 6/2 âm lịch tại đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) diễn ra lễ hội tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng, đã có công lao đánh giặc Đông Hán giành quyền tự chủ cho đất nước và làm rạng ngời trang sử vẻ vang của dân tộc. Điệu múa Đèn trong Lễ hội được các nữ giới thể hiện bằng việc tay cầm đèn, xếp hàng đôi, nhịp bước lên xuống uyển chuyển, lúc múa đan chéo hàng, lúc nhập một hàng, lúc tách đôi hòa theo tiếng trống bập bùng. Điệu múa Đèn không chỉ mang lại đời sống tinh thần cho người dân mà còn góp phần tô thắm truyền thống lịch sử của lễ hội.

Trong lễ hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh, điệu múa "Cởi vú mo" độc nhất vô nhị nhưng rất dung dị, đời thường thì múa "Canh nông" ở hội làng Cư An, huyện Mê Linh lại phản ánh sinh hoạt của nhà nông ở Thăng Long một cách sinh động.

Múa dân gian cũng phản ánh đậm nét những tình cảm tốt đẹp, sự tri ân những bậc tiền bối đã có công với làng xã hay gắn kết những dấu ấn lịch sử, những giá trị đạo đức hay phong tục tập quán, nếp sống của người dân ở môi trường sinh ra loại hình di sản này.

Hằng năm, vào ngày 5,6,7 tháng Ba (âm lịch), nhân dân xã Đồng Lạc (Chương Mỹ, Hà Nội), lại tổ chức lễ rước truyền thống để tưởng nhớ vị anh hùng Chu Đạt - người đứng lên khởi nghĩa dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng  chống lại sự xâm lăng của nhà Hán. Lễ rước tổ chức hàng năm đều tổ chức múa rồng, thu hút rất đông người dân các làng xã tham dự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng làng, xã và đời sống tín ngưỡng người dân ở vùng đất này.

Mỗi điệu múa dân gian lưu dấu những câu chuyện lịch sử, mang những giá trị đạo đức hay phản ánh phong tục tập quán, nếp sống của người dân ở môi trường sinh ra di sản.

Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh đã từng đánh giá Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ Hà Nội không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.

Bài, ảnh: N.Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực