|
Ảnh minh họa: ITN |
Chỉ thị đánh giá, trong những năm qua, thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương), công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cơ bản được tổ chức thực hiện nghiêm túc, qua đó những bất cập của cơ chế, chính sách và sai phạm trong công tác quản lý từng bước được khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chỉ thị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và chỉ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề được dư luận Nhân dân quan tâm.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác rà soát, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả.
Tăng cường theo dõi, giám sát, ngăn ngừa vi phạm của cán bộ, công chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Nâng cao chất lượng, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra và rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Thực hiện nghiêm chủ trương, cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, thanh tra và rà soát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm trong quá trình rà soát, thanh tra, kiểm tra thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền (không chờ đến khi kết thúc mới chuyển), không để vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng chỉ xử lý hành chính hoặc biện pháp khác.
Thông qua công tác rà soát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định, hướng dẫn khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật và những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa thành quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Thọ giao các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tổ chức thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra; Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy phối hợp tham mưu, đề xuất xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu khi có khuyết điểm, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo; Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy hằng năm tổ chức các đoàn rà soát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tham mưu sơ kết, tổng kết theo quy định./.