Góc nhìn sinh động về lịch sử, văn hóa châu Á

Thứ bảy, 29/07/2017 16:25
(ĐCSVN) - Bộ sưu tập hiện vật lớn gồm 560 hiện vật, đa dạng về dạng thức và loại hình của Giáo sư Nhật Bản Kaneko Kazushige, đang giúp công chúng Việt Nam cảm nhận một góc nhìn sinh động về lịch sử, văn hóa của châu Á.

Giáo sư Kaneko Kazushige sinh năm 1925 là người sáng lập Viện Dân tộc học loại hình và Văn hóa châu Á của Nhật Bản. Ông từng giảng dạy và diễn thuyết ở nhiều trường đại học và hiệp hội ở Nhật Bản, Đài Loan, Myanmar, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam. Ông đã dự nhiều hội thảo quốc tế, viết nhiều sách liên quan đến tạo hình trong đó có cuốn Tạo hình trong đời sống ở Nhật Bản và châu Á (8 tập), Thế giới đồ gốm châu Á, Dân tộc học loại hình châu Á.

Từ năm 1948 đến nay, trong gần 400 chuyến điền dã, ông đã sưu tầm nhiều hiện vật về các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á. Với tâm nguyện góp phần giúp người châu Á phải hiểu người châu Á hơn và các bảo tàng ở châu Á không chỉ trưng bày về văn hóa của quốc gia mình, mà cần phải giới thiệu văn hóa của các dân tộc ở các nước châu Á khác. Để thực hiện tâm nguyện của mình, ông đã tặng những bộ sưu tập hiện vật lớn cho Bảo tàng Quốc gia Kyushu Nhật Bản và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Hai bộ sưu tập hiện vật này đã được trưng bày ở hai bảo tàng này.

Tiếp tục thực hiện mong muốn của mình, năm 2005, GS. Kaneko tặng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) với 560 hiện vật gồm: gốm Nhật Bản; sơn mài, rối dây Myanmar; trang phục Hàn Quốc; hiện vật tôn giáo Indonesia; mặt nạ Ấn Độ, Tibet; trang phục của Yemen, Iran, Pakistan…

Bộ sưu tập của GS.Kaneko ra mắt gần đây, giới thiệu tới công chúng, nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đòi của nhiều quốc gia thuộc châu Á.

Sự đa dạng về dạng thức và loại hình của hiện vật chứng tỏ mối quan tâm của GS.Kaneko tới những đồ vật được làm từ chất liệu tự nhiên rất phong phú và đa dạng của châu Á, họ sử dụng những kỹ thuật truyền lại từ nhiều thế kỷ và ăn sâu vào tiềm thức người dân địa phương.


Hàng trăm hiện vật đa chất liệu được giới thiệu với 4 chủ đề:  Đồ đan Đông Nam Á, Sơn mài Myanmar, Con vật và Con vật huyền thoại.


Trang phục Hanbok - Cửa sổ nhìn vào truyền thống và đẳng cấp xã hội Hàn Quốc, xuất hiện từ thời Ba vương quốc (557 - TCN 668). Họa tiết rồng dành cho vua; hoa mẫu đơn thể hiện sự giàu có quyền lực. Trên áo nữ, các dải nơ tím thể hiện người chồng của người mặc còn sống; màu xanh da trời ở cổ tay áo chứng tỏ người phụ nữ có con trai. Trang phục quý tộc thường bằng vải tơ tằm, vải ramie; dân thường mặc vải lanh hoặc vải bông. Hanbok có nhiều loại, hiện đang may theo triều đại joseon (1392-1910). Ngày nay Hanbok là lễ phục trong đám cưới, đám tang và các dịp lễ hội.


Bộ trang phục nữ dân tộc Yemen, thế kỷ 20.


Áo choàng Pakistan, thế kỷ 20.


Trung Quốc là quê hương của diều với lịch sử hơn 2000 năm. Quá trình chế tác diều gồm 3 bước: tạo khung bằng tre, dán giấy hoặc lụa nên khung, trang trí diều. Gần đây thả diều đã trở thành một hoạt động thể thao tại tỉnh sơn Đông, Trung Quốc, hiện  tỉnh này đang có những thành phố mệnh danh là “thủ đô” diều của thế giới.


Garuda gỗ, thế kỷ 20. Biểu tượng tín ngưỡng của Indonesia.


Sưu tập gốm dân gian Nhật Bản, những sản phẩm của các nghệ nhân nông thôn được làm và bán cho những người dân ở nông thôn và thành thị với giá rẻ. Cuối thế kỷ 19, loại đồ  gốm này dần biến mất. Năm 1926, một nhóm các nhà trí thức và nghệ sỹ thành phố đã khởi xướng bảo tồn dòng gốm này, và tạo ra thuật ngữ mingei (đồ thủ công dành cho đại chúng) nhằm thúc đẩy nhận thức và tạo dựng thị trường. Năm 1936 họ thành lập Bảo tàng Thủ công dân gian ở Tokyo. Một số hiện vật trong bộ sưu tập gốm cổ này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trong xã hội.


Hộp đựng lễ vật Bama Bagan, thế kỷ 20 của Myanmar.


Sơn mài Nhật Bản được sử dụng từ cuối thời kỳ Jomon (2500-1000 năm TCN). Ban đầu đồ sơn mài chỉ phục  vụ quý tộc , đền thờ hay thương nhân giàu có, đến thời Minh Trị (1868 - 1912), sơn mài được Hoàng gia bảo trợ và tồn tại đến nay.


“Thờ cúng Jagannath” ở bang Orissa miền đông Ấn Độ.


“Tượng thần Hindu Ấn Độ” - Các vị thần được tôn thờ ở trong các đền thờ hay trên bàn thờ tại gia, có vai trò bảo vệ đối với các tín đồ Hindu giáo. Ngoài những bức tượng lớn bằng đá hoặc đồng trong các ngôi đền, các tượng cỡ nhỏ được sử dụng trong việc thờ cúng của cá nhân hoặc là đồ lưu niệm.


Phần lớn hiện vật trong bộ sưu tập của GS. GS.Kaneko được trưng bày ở đây. Qua bộ sưu tập đặc biệt này Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã mang tới công chúng một góc nhìn đa dạng, phong phú về nền văn hóa của châu Á.

Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực