Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối với lớp 1 và lớp 2, việc tổ chức kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp. Trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
|
Nhiều gia đình khá vất vả với việc học online của học sinh lớp 1, lớp 2. |
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Ở trường hợp này, theo quy định trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Ngay khi nắm bắt thông tin trên, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 1, lớp 2 tại các trường Tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đã gửi ý kiến phản hồi tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đa phần ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, địa bàn TP Hà Nội dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới ngày một gia tăng (có thời điểm lên tới 1.000 ca/ngày) thì giải pháp kiểm tra định kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, 2 khiến phụ huynh băn khoăn.
Chia sẻ về nỗi băn khoăn này, chị Nguyễn Ngọc Bích, địa chỉ tại quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết: “Tôi có con đang học lớp 2, nhưng phải công nhận, việc học online của các con chưa đạt kết quả như mong muốn. Qua quan sát, thời gian đầu, tôi thấy các cháu khá mất tập trung, dù thời gian gần đây có đỡ hơn. Tôi cho rằng, nếu có đến trường để kiểm tra thì có lẽ kết quả cũng không "khá" hơn khi kiểm tra trực tuyến như đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua, nên chăng không cần quá cầu kỳ khi đánh giá ở thời điểm này. Điều tôi thực sự quan tâm, lo lắng nhất là khả năng nhiễm bệnh của trẻ khi ra ngoài đường, nhất là ở giai đoạn Thành phố đang có xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19”.
Anh Đỗ Trọng Đức (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cũng đồng quan điểm với chị Bích và cho biết, cách giao học sinh làm bài tập, phiếu kiểm tra qua hình thức trực tuyến, gián tiếp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là phù hợp. Đối với các cháu học sinh lớp 1, 2 thì việc kiểm tra càng dễ kiểm soát vì con đọc như thế nào, con viết chính tả ra sao, giáo viên hoàn toàn có thể kiểm soát, đánh giá được bằng hình thức trực tuyến. Việc học sinh trở lại trường chỉ vì bài kiểm tra trực tiếp chưa hợp lý, không thực sự cần thiết trong thời điểm này.
Ngoài ra, anh Đức cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, khi học sinh đang phải học trực tuyến thì việc kiểm tra định kỳ nên thực hiện theo hình thức trực tuyến. Kiểm tra định kỳ lúc này không chỉ để xem học sinh đạt được yêu cầu đến đâu mà còn xem cách dạy học trực tuyến có bất ổn gì để điều chỉnh, tăng cường hỗ trợ học sinh.
Có con đang học lớp 1, chị Hoàng Thị Phương Thanh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết, trước thông tin về việc học sinh lớp 1, 2 sẽ phải tham gia bài kiểm tra học kỳ trực tiếp, ngay trong lớp con chị cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn phụ huynh cảm thấy lo lắng khi các con chưa một ngày được đến trường học trực tiếp, thậm chí còn chưa được gặp thầy cô, bạn bè mà nay lại đến trường tham gia kiểm tra trực tiếp. Chưa quen thầy, quen lớp, quen bạn, lại thêm không khí căng thẳng của buổi kiếm tra, các con sẽ lúng túng, thậm chí là lo lắng dẫn tới không thể làm được bài. Trong trường hợp các trường muốn đánh giá chất lượng của học sinh, chị Thanh cho rằng, nhà trường có thể giao đề qua email, sau đó đề nghị phụ huynh không được giúp đỡ mà chỉ nên hướng dẫn con làm bài một cách trung thực. Nếu đánh giá không vì mục đích xếp hạng mà chỉ nhằm xem xét thực chất kết quả học tập ra sao, bản thân chị cũng như những phụ huynh khác sẽ hoàn toàn hợp tác.
Trong khi đó, anh Lê Xuân Bắc (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) thì bày tỏ sự ủng hộ, nhất là với trẻ đầu cấp (lớp 1). Anh Bắc cho rằng, khoảng thời gian dài học trực tuyến, việc kiểm tra trực tiếp là điều cần thiết để nhà trường đánh giá được việc tiếp thu kiến thức của học sinh ra sao, từ đó sẽ có phương án bổ trợ, điều chỉnh nội dung, cách thức truyền tải cho phù hợp. Việc đánh giá trực tiếp sẽ chính xác, khách quan hơn cả, bởi lẽ nếu chỉ kiểm tra online hoặc miễn thi, điều này sẽ đánh giá không thực chất về học lực, khả năng nhận thức của từng trẻ.
|
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nỗi lo lắng của phụ huynh
với những vấn đề liên quan đến học hành của con em là điều hoàn toàn có cơ sở. |
Tuy nhiên, theo anh Bắc, để tổ chức việc kiểm tra trực tiếp đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục cần phải lên phương án, có kế hoạch, giải pháp chi tiết, cụ thể để hạn chế tối đa việc lây nhiễm cho các cháu. Trường hợp thực sự cần thiết, có thể thực hiện việc chia nhỏ từng đợt học sinh để kiểm tra, qua đó sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cùng quan điểm với anh Bắc, chị Vũ Thùy Liên (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cho rằng, việc kiểm tra trực tiếp đối với các cháu học sinh hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu cơ sở giáo dục chủ động đưa ra các phương án, giải pháp để phối hợp với các bên liên quan. Cùng với việc bảo đảm thực hiện hiệu quả phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì có thể chia từng lớp thành những nhóm nhỏ, tùy điều kiện diện tích cơ sở đào tạo hoặc triển khai hướng dẫn trẻ cần thực hiện tốt các quy định về phòng dịch tại trường…Nếu thực hiện tốt những giải pháp này, theo chị Liên, không quá lo ngại về mặt phòng, chống dịch. Chị Liên cũng cho rằng, việc kiểm tra trực tiếp cũng là cơ hội cho trẻ nhỏ được tiếp cận dần với trường lớp, thầy cô, bạn bè, để các con thấy được sự khác biệt khi từ mẫu giáo lên lớp 1 là như thế nào, còn kết quả kiểm tra học kỳ cao hay thấp thì phụ huynh cũng không nên nặng nề suy nghĩ.
Trước thông tin Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học; trong đó yêu cầu học sinh lớp 1, 2 làm bài kiểm tra định kỳ trực tiếp (trừ trường hợp bất khả kháng) khiến các bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn, lo lắng thì trưa ngày 15/12, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chính thức cho biết, học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp do COVID-19 có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích rõ, ở những địa phương mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hình thức trực tuyến. Với những khu vực đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch, có thể đến trường học tập thì các trường khẩn trương ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh và kiểm tra trực tiếp để lấy kết quả đánh giá thường xuyên, định kỳ.
Học sinh lớp 1, 2 đang học qua truyền hình, quá trình học tập thiếu sự tương tác; nhà trường cùng các thầy cô chưa thể đánh giá chính xác chất lượng thu nhận kiến thức của các em. Vì vậy, trong điều kiện cho phép, các trường cần tạo điều kiện tối đa để học sinh tới trường củng cố kiến thức và làm bài kiểm tra định kỳ trực tiếp. Với lớp 3, 4, 5, học sinh cơ bản đã có ý thức và kỹ năng học tập, kỹ năng làm bài định kỳ theo đặc trưng của từng môn trong quá trình học từ các năm trước, nên Bộ không nhấn mạnh yêu cầu kiểm tra trực tiếp.
"Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường hướng dẫn kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch triển năm học này và kế hoạch năm học mới theo tình hình dịch bệnh tại địa bàn", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Những phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đưa ra nhằm giải thích, làm rõ văn bản hướng dẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hôm 13/12. Theo văn bản này, Bộ yêu cầu, đối với lớp 1, 2 bài kiểm tra định kỳ được tổ chức trực tiếp với hai môn là Toán và Tiếng Việt; trừ trường hợp bất khả kháng, các trường phải báo cáo Phòng Giáo dục để được phê duyệt phương án thi trực tuyến. Trong khi đó, Bộ cho phép các khối lớp tiểu học còn lại linh hoạt lựa chọn hình thức kiểm tra cuối kỳ, cuối năm./.