Đoàn đại biểu cùng nhân dân và du khách thập phương dâng hương tại đền Phù Ủng
Dự lễ dâng hương có ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo huyện Ân Thi và đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương.
Tại lễ dâng hương, Bí thư tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng và Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo tỉnh, các đại biểu, cùng nhân dân địa phương, du khách thập phương đã thành kính dâng hương để tướng nhớ đến công lao đánh giặc giữ nước của tướng quân Phạm Ngũ Lão – một danh tướng xuất sắc thời Trần.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Tiến Sỹ (giữa), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng (trái)
và Chủ tịch HDND tỉnh Đỗ Xuân Tuyên thắp hương tại đền Phù Ủng
Tướng quân Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi. Ông là người có chí lớn, tinh thông võ thuật, được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phát hiện và tiến cử, trở thành một vị tướng lừng danh được sử sách ca ngợi.
Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, tướng quân Phạm Ngũ Lão đã góp công lớn ở lần đại thắng thứ 2 và thứ 3. Ông được vua nhà Trần tấn phong giữ các chức vụ quan trọng như: Chỉ huy Hữu vệ Thánh Dực quân, Thân vệ đại tướng quân, Điện súy Thượng tướng quân, tước quan nội hầu.
Tướng quân Phạm Ngũ Lão không chỉ là tướng giỏi về quân sự mà còn là người có tài thơ văn. Cuộc đời và sự nghiệp của tướng quân Phạm Ngũ Lão là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo, ở ông hội tụ đủ phẩm chất cao quý của người quân tử “ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.
Sau khi Tướng quân Phạm Ngũ Lão mất vào năm Canh Thân 1320, nhà vua phong hiệu ông là “ thượng đẳng phúc thần” và cho nhân dân lập đền thờ trên nền nhà cũ của gia đình ông.
Quần thể di tích đền Phù Ủng có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ quý hiếm, đền đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1988.
Để tưởng nhớ đến vị tướng tài ba của dân tộc, hằng năm, từ ngày mùng 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống. Chính hội vào ngày 11, tương truyền là ngày tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước..
Màn múa lân tại lễ hội đền Phù Ủng
Lễ rước được tổ chức long trọng với đông đủ nhân dân và du khách tham gia
Lễ hội đền Ủng được tổ chức với các nghi lễ: đại lễ, tế nội tán, ngoại tán, rước kiệu công chúa Tĩnh Huệ từ chùa Bảo Sơn về lăng Phạm Tiên Công và đền thờ Phạm Ngũ Lão.
Ngoài phần nghi thức, lễ hội còn có nhiều trò chơi, hoạt động văn nghệ, thể thao như: chọi gà, cờ tướng, hát quan họ giao duyên trên hồ.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh lễ dâng hương tưởng niệm, cầu chúc thiên thời địa lợi nhân hòa còn có các trò chơi dân gian truyền thống như: múa rối, hát chầu văn, hát trống quân, hát giao duyên, chơi chọi gà, cờ tướng, đấu vật…
Hát giao duyên quan họ tại lễ hội đền Phù Ủng